Giả sử bạn bỏ ra 100 triệu mua 1 mã cổ phiếu, sau vài tuần cổ phiếu tăng giá 7%, nghĩa là bạn có 107 triệu. Đây là mức tăng lớn so với gửi ngân hàng (lãi suất chỉ khoảng 5%/năm). Thông thường mọi người sẽ có tâm lý hồi hộp, nếu không bán thì sợ cổ phiếu giảm giá sẽ mất phần lãi, còn nếu bán thì lỡ cổ phiếu tăng giá tiếp thì lại tiếc.
Trường hợp ngược lại, cổ phiếu giảm giá 7%, nghĩa là bây giờ bạn chỉ còn 93 triệu. Khi này bạn sẽ rất lo lắng, tâm lý nửa muốn giữ cổ phiếu chờ tăng giá để hoà vốn, nửa thì muốn bán để cắt lỗ, vì lỡ cổ phiếu tiếp tục giảm giá thì sẽ lỗ ngày càng nhiều. Trường hợp bạn vay margin thì lại càng lo lắng hơn vì sợ nếu giá giảm thêm sẽ dẫn đến tình trạng call margin và force sell.
Trường hợp thứ 3, cổ phiếu không tăng cũng không giảm, giá cứ đi ngang một khoảng thời gian. Khi này mọi người sẽ rất nóng ruột vì chờ mãi mà không tăng, bạn bắt đầu ngó nghiêng các cổ phiếu khác. Nhiều người sẽ quyết định bán để chuyển sang cổ phiếu khác với kỳ vọng khả năng tăng giá tốt hơn, nhưng thường sau khi bán thì cổ phiếu cũ lại tăng giá, còn cổ phiếu mới mua lại giảm giá.
Với bức tranh đầu tư trên, nhà đầu tư luôn lo lắng, hồi hộp trong mọi trường hợp. Mọi người thường lâm vào cảnh: giá tăng thì sợ mất lãi, giá giảm thì sợ mất vốn, giá đi ngang thì mất kiên nhẫn. Nói chung là kiểu gì cũng thấy mất. Đầu tư theo cách này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và tinh thần. Chưa kể đa số nhà đầu tư đều lỗ với kiểu đầu tư ngắn hạn như vậy.
Nguyên nhân đa phần là vì thiếu kiến thức đầu tư, dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp, chỉ biết nhìn diễn biến giá tăng giảm trước mắt, mà không đánh giá được tiềm năng dài hạn. Để khắc phục thì nhà đầu tư nên xây dựng cho mình một chiến lược dài hạn, đánh giá tiềm năng của từng doanh nghiệp trước khi đầu tư. Tiến hành định giá để xác định vùng giá mua, vùng giá bán rõ ràng. Như vậy bạn sẽ yên tâm khi nắm cổ phiếu dài hạn, biết rõ khi nào nên mua, khi nào nên bán.
Một khi đã có được chiến lược đầu tư cụ thể, bạn sẽ không phải lo lắng về diễn biến giá thị trường nữa. Bạn có thể dành thời gian để tận hưởng cuộc sống và làm những việc mình thích. Chim ưng và chim sẻ khác nhau ở độ cao và tầm nhìn, để trở thành một nhà đầu tư có tầm nhìn xa và tư duy sắc bén, bạn cần được đào tạo và rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp.